Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Suncare- Các chỉ số SPF, PA+, Broad Spectrum trên kem chống nắng


Nếu phải lựa chọn cả đời này chỉ được mua một loại kem dành cho mặt, thì mình sẽ chọn: kem chống nắng. Vì mình luôn nghĩ, “dưỡng” nhưng không “giữ”, thì dưỡng đến khi nào da mới đẹp, mặt mới xinh. Nên nếu không thể dành đủ tiền để mua dưỡng này, dưỡng nọ dưỡng kia, thì ít nhất, mình cũng không thể để làn da mình bị tàn phá dưới ánh mặt trời. Nghe thì kinh khủng vậy, sự thật thì có khủng khiếp vậy không, câu trả lời đáng buồn là CÓ.
“Chống nắng” ở đây, nghĩa là bạn phải chống lại 3 tia cực tím- UV( Ultra Violet Light ) bao gồm: tia UVA, UVB, và UVC
Tia UVC là tia có bước sóng ngắn nhất, nhưng sức công phá thì cao nhất, là nguyên nhân dẫn đến ung thư da, nhưng tia này đã bị chặn lại bởi tầng Ozone, nên thường không ai nhắc đến tia này trong các sản phẩm chống nắng ( nếu tầng ozone bị thủng thì hậu quả là quá kinh khủng, nên thế mới bảo vì sao phải bảo vệ tầng ozone)
Tia UVB là tia có bước sóng trung bình, tác dụng lên lớp biểu bì của da, gây cháy nắng, da bỏng rát và kích thích tế bào hắc tố Melanocytes sản sinh ra melanin với số lượng lớn khiến da trở nên tối màu hơn, hay chúng ta hay gọi là da đen xạm. Thực chất, melanin là chất nhiễm sắc quyết định màu sắc của da. Chúng vốn dĩ có màu nâu đậm và sẽ trở nên không màu khi lên đến bề mặt da. Nhưng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu, có quá nhiều melanin sản sinh ra, khiến lớp này chưa kịp trở nên trong màu đã có lớp khác chồng chéo lên, cho nên bạn cứ để ý, những vùng da hay phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuất hiện các vết nám, tàn nhang đậm màu hơn các vùng da khác. Tia UVB thường xuất hiện vào khoảng từ 8h sáng đến 4 giờ chiều, thời điểm mà chúng ta vẫn thấy là nắng gay gắt nhất.
Tia UVA là tia có bước sóng dài nhất, tác động vào lớp hạ bì của da. Ở lớp hạ bì có chứa rất nhiều các sợi collagen và sợi đàn hồi, khi bị ảnh hưởng của UVA sẽ biến tính, da mất đi độ căng và độ đàn hồi, gây nên các nếp nhăn và da bị chùng xuống, lâu dài sẽ dẫn tới ung thư da. Tia UVA xuất hiện từ 6h sáng đến 5-6 giờ chiều, kể cả ngày mưa. Vì là tia có bước sóng dài nên có thể xuyên qua lớp áo vải, cửa kính, đấy chính là lí do vì sao dù ở trong nhà chúng ta cũng phải chống nắng.
Tóm lại là: tia UVB: đen xạm, bỏng rát, nhìn thấy ngay. Tia UVA: lão hóa da, từ từ rồi sẽ biết. Và cả 2 tia này, mỗi tia nguy hiểm một kiểu, nhưng đều là tác nhân dẫn đến ung thư da.
* Chọn kem chống nắng như thế nào?
Đầu tiên bạn hãy để ý đến chỉ số SPF, PA và Broad- Spectrum trên kem chống nắng. Vì dù là kem chống nắng vật lý hay hóa học thì cũng đều cần những chỉ số này để “chống nắng
1, Chỉ số SPF là gì?
SPF( Sun Protector Factor)- là chỉ số bảo vệ da trước tia UVB
Có rất nhiều tranh cãi về việc 1SPF thì chống được tia UVB trong thời gian kéo dài 5p, 10p, hay 15p. Bản thân mình, khi tìm hiểu về vấn đề này, cũng gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng khi mình được tham gia khóa học về kem chống nắng của người Nhật, mà mình thì vẫn luôn tin rằng về làm đẹp và chống nắng, Nhật luôn là nước đi đầu, nên mình quyết định chọn phương án 1SPF= 10p để tính thời gian mình có thể dong dong đi nắng trong điều kiện lý tưởng. Thế có nghĩa là SPF 30 thì da mình được bảo vệ trước tia UVB là 300p( tương đương 5 tiếng), SPF 50 thì sẽ là hơn 8 tiếng, còn SPF 100 sẽ là 16 tiếng??? Ôi, không phải nhé, con số chỉ dừng lại ở mức 50+ thôi nhé. Vì sao ư?
Bởi vì đây là định mức cao nhất mà FDA( Food & Drug Administration) đưa ra cho việc ghi chỉ số SPF trên kem chống nắng. Lí do là vì SPF 30 đã giúp bạn chống lại 97% tia tử ngoại, còn SPF 50 thì là 98%, vậy thì có lí do gì mà chúng ta phải chi trả tiền cho những sản phẩm có spf lớn hơn 50? Nên 1 lời khuyên chân thành là hãy chọn cho mình một sản phẩm có SPF trong khoảng 30-50+ bạn nhé!
2, Chỉ số PA
PA( Protection Grade)- chỉ khả năng bảo vệ da trước tia UVA
Có 3 cấp độ thường gặp ( bây giờ là 4 rồi nhé):
PA+: Chống tia UVA 40-50%
PA++: Chống tia UVA 60-70%
PA+++: Chống tia UVA 90%
Tóm lại về PA, chỉ số càng cao thì khả năng bảo vệ da của bạn trước tia UVA càng lớn, nên mình high recommend cho những sản phẩm kem chống nắng có PA+++ nhé
3, Broad- Spectrum
Có rất nhiều sản phẩm kem chống nắng không có chỉ số PA, vậy có nghĩa là da bạn không được bảo vệ trước tia UVA? Đừng lo lắng, hãy xem xem trên sản phẩm chống nắng ấy có ghi chữ “ Broad- Spectrum” không nhé.
Với những sản phẩm chống nắng có SPF lớn hơn 15 có ghi chữ Broad Spectrum- Quang phổ rộng trên bao bì thì được FPA công nhận đều có khả năng bảo vệ da khỏi 2 tia UVA và UVB. Nên khi quyết định mua 1 sản phẩm chống nắng, nếu không có PA+ nhưng có SPF và Broad Spectrum thì bạn cứ tạm hiểu là em ý đủ điều kiện để “ chống nắng” cho bạn rồi nhé.
Hy vọng qua bài post lần này, kem chống nắng sẽ có “địa vị” hơn trong công cuộc làm đẹp của bạn. Không đến mức “ không thể sống thiếu” như mình nhưng các bạn cũng đừng bỏ quên em nó đến mức 3 năm dùng mới hết 1 lọ nhé :’(. Bài post này cũng kha khá dài rồi, dài quá sợ các bạn vừa đọc vừa ngủ mất, nên tất tần tật những vấn đề khác về kem chống nắng như là phân loại kem vật lý hay hóa học, liều lượng dùng kem, apply kem như thế nào,... mình hẹn vào bài post lần sau nhé. Sẽ cố gắng update đầy đủ những thông tin cần thiết để các bạn tự tin khi mua và sử dụng kem chống nắng nha!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét